Đi ăn ai sẽ là người trả tiền?

Đi ăn chung thì vui, càng đông thì càng vui. Nhưng khi thanh toán tiền, số người càng đông, bill càng mắc, mối quan hệ của những người trong nhóm càng ít thân, thì việc ai thanh toán tiền sẽ là một câu hỏi khó . Điều này còn khó khắn hơn khi bạn là sinh viên và chưa làm ra tiền nhiều hoặc khi nhận lời mời của anh chàng đang theo đuổi bạn.
Vậy khi ra ngoài ăn uống giao lưu hoặc dự tiệc, niềm vui chưa được là bao nhiêu thì lại dấy lên một nỗi “lo lắng” len lỏi vào trong tâm thức vì không biết khi đi ai sẽ là người phải trả tiền?
Trên thực tế, chẳng có một câu trả lời chắc mẩm nào cho câu hỏi trên cả, nàng trả hay ai đó sẽ trả tùy thuộc vào dịp, vào mức độ thân thiết, hoặc trách nhiệm ràng buộc giữa nàng với mọi người. Những “nghi thức” bên dưới sẽ không áp dụng được trong mọi tình huống nhưng tin chắc sẽ giúp được nàng.
Mình có một số gợi ý hữu ích sau:
Khi cô nàng đi ăn với một nhóm bạn
Khi đi ăn tối với một nhóm nhiều người, thì cách tốt nhất là để mọi người tự động chia tiền mà trả. Những người đi một mình thì trả cho phần ăn của một người, những cặp đôi thì trả tiền cho hai người. Thường thì người ta sẽ chia đều tiền để trả như nhau, tuy nhiên, theo mình thấy thì khi đi ăn với một nhóm bạn, thì mọi người nên tự trả cho phần ăn của mình trước, sau đó sẽ chia tiền để trả những món ăn chung.
Bằng cách này, cô nàng không có tiền có thể gọi một món bánh kẹp bình dân, còn những bạn khác rủng rỉnh hơn thì gọi bít tết và rượu, mà không cần phải cảm thấy bối rối về vấn đề ai sẽ trả. Và để người phục vụ khỏi mất công chia hóa đơn sau bữa ăn thì ngay từ đầu bạn nói luôn là mỗi người cần một hóa đơn trả tiền riêng.
Trong trường hợp một cô nàng ngỏ ý muốn mời mọi người đi ăn, kiểu như “Hôm nay mình mời các bạn đi ăn nhé” hoặc đại loại như “Hôm nay mình khao” thì nàng chính là “chủ xị”, đương nhiên sẽ phải trả tiền.
Khi cô nàng đi ăn với các cặp đôi khác
Trường hợp này khá là phổ biến, các nhóm cặp đôi đi chơi với nhau tạo thành một nhóm bạn thân thiết thì việc trả tiền nhất định là đã được giao ước trước đó.
Đối với nhóm bạn thường xuyên đi ăn cùng nhau thì nên thay phiên nhau trả tiền.
Ví dụ: “Lần này mấy bạn trả thì lần sau bọn mình trả.”
Một lựa chọn khác là mỗi cặp tự trả tiền theo cách riêng của mình. Nếu nhóm bạn đi chung có thu nhập tương tự nhau thì cứ chia đều ra mà trả, còn nếu đi ăn với các nhóm thỉnh thoảng lại gọi “cao lương mỹ vị” thì thôi cứ phần ai nấy trả cho công bằng.
Nếu cô nàng đi cùng với người yêu và một người bạn bình thường khác, thì rõ ràng không nên phân nửa tiền rồi. Nàng có thể yêu cầu phục vụ chia hóa đơn ngay từ đầu hoặc sau khi ăn xong. Còn nếu Nàng là người mời người khác đi ăn trong một nhà hàng, thì thỉnh thoảng nàng nên đề nghị trả tất, chẳng có gì to tát. Nếu như lần nào nàng cũng “bao” hết mà người kia thì chẳng bao giờ tự động trả tiền và cho rằng họ không có bổn phận phải trả gì hết thì lần tới thỉnh thoảng nàng hãy tinh ý nhắc họ.
Đi ăn chỉ 2 người - quan trọng đây!

Khi hai đứa con gái đi ăn với nhau, chuyện ai trả chẳng có gì đáng phải bàn. Một là cứ chia hóa đơn, hoặc đơn giản chỉ là “Lần tới phiên mình mời nhé”.
Nhưng một khi đi ăn với một người nam, thì tình huống có chút phức tạp hơn.
Nếu là một buổi hẹn hò chính thức, thì người nam nên trả tiền (bạn không nên dành trả tiền cho bằng được).
Còn nếu anh chàng chỉ là bạn bè bình thường, thì dễ dàng rồi, chia tiền ra mà trả. Còn không cứ “hôm nay bạn trả, hôm sau mình trả”, vậy thôi!
Nếu mối quan hệ đó không mấy rõ ràng, thì nàng nên có hướng giải quyết như sau. Một là nàng hãy yêu cầu người phục vụ tách hóa đơn ngay từ đầu. Điều này mang một ý nghĩa, là truyền tải cho người kia một thông điệp: nàng không muốn đi xa hơn trong mối quan hệ này. Còn nếu cô nàng cũng có quan tâm đến chàng kia, thì hãy để người đàn ông trả. Anh ta cần có cơ hội để chứng tỏ rằng anh có khả năng lo lắng và có ý muốn được lo lắng cho nàng trong tương lai.
Cô nàng đi dự Sinh Nhật
Đây là cũng là quy tắc đi ngược lại so với các quy tắc trên. Khi mọi người kéo nhau đi ăn uống chúc mừng sinh nhật một người thì mọi người trong nhóm sẽ chia đều ra trả tiền, trừ người được chúc mừng sinh nhật. Trong trường hợp này, những người bạn của “nhân vật chính” tại bữa tiệc ăn uống sẽ là “chủ xị”.
Nếu “nhân vật chính” đã có người yêu, thì “chủ xị” lại là những người bạn của họ. Thay vì phải chia tiền ra trả theo đầu người, thì mọi người sẽ chia hóa đơn ra trả, và cặp đôi đó không cần phải trả tiền.
Dĩ nhiên là có một vài trường hợp “nhân vật chính” tại buổi tiệc sẽ muốn chiêu đãi mọi người. Nếu như chủ nhân buổi tiệc sinh nhật muốn ra ngoài ăn tối với bạn bè thì họ nên tính trước việc làm chủ xị cuộc vui, đặc biệt là khi họ đã trưởng thành và bạn bè họ cũng đã đều đi làm hết thảy. Nếu thật sự có ý sẽ trả tiền, hãy thẳng thắng lên tiếng trước khi mời bạn bè, đại loại là: “Mình muốn mời các bạn đi ăn” hoặc “Mời các bạn đến dự sinh nhật mình”.
Và trong mọi trường hợp, bạn cần phải tinh tế nhìn ra được sự nhiệt tình của nhóm bạn đi ăn với mình để chọn cách trả tiền phù hợp.
Cuối cùng, nếu thu nhập của bạn không phải “hạng sang” và không thể góp tiền trong một bữa ăn thân tình mừng sinh nhật thì cũng đừng lo lăng quá. Bạn bè thì sẽ cảm thông cho nhau và ít ra bạn đến dự sinh nhật của họ thì họ cũng rất vui rồi.
Cô nàng ăn uống với gia đình/ bố mẹ
Khi đi ăn ngoài với bố mẹ, ai là người sẽ trả tiền là một vấn đề tùy thuộc vào tuổi tác hoặc mối quan hệ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình.
Nếu cô nàng còn ngồi trên ghế nhà trường, khi đi ăn, nàng chỉ cần lo mỗi việc “ăn uống”, còn trách nhiệm trả tiền sẽ thuộc về người lớn, trừ một số dịp đặc biệt cô nàng muốn “thết đãi” bố mẹ.
Còn khi đã ổn định công việc, lúc đi ăn, nàng nên là người chi trả, dù trong mắt bố mẹ nàng mãi là đứa con gái nhỏ đáng yêu nên họ sẽ vẫn sẽ muốn được trả hóa đơn.
Tuy nhiên, kiếm được việc làm là một mốc son của cuộc đời, hãy nhân dịp này để “xoay chuyển tình thế” và thể hiện chút đền đáp cho bố mẹ. Trong hầu hết các trường hợp, hành động “ga lăng” trên càng tăng điểm “tự hào” của cô nàng trong mắt bố mẹ, rằng cuối cùng thì cô gái bé bỏng ngày nào cũng đã lớn khôn, biết lo lắng lại cho bố mẹ.
Khi nàng trưởng thành và lấy chồng. Lúc đi ăn với bố mẹ, người lớn có thể để con gái tự chi trả cho gia đình nhỏ của mình. Nếu có thể, nàng nên trả tất, như vậy sẽ hay hơn. Còn không, bố mẹ có khi còn muốn chiêu đãi luôn cả nhà.
Khoản cách địa lý cũng đóng một vai trò to lớn ở đây. Nếu cô nàng sống xa nhà, mỗi dịp về thăm nhà, bố mẹ có thể “bao” cô con gái. Nhưng nếu họ lặn lội quãng đường xa để đến thăm con cái, thì nàng nên tự động chi trả cho bố mẹ.
Nàng chỉ cần tùy cơ ứng biến, hiểu được trách nhiệm và truyền thống gia đình mình, và tự điều chỉnh cho hợp lý.
Khi nàng đi ăn với bố mẹ bạn trai hay bố mẹ chồng
Thật ra đi ăn ngoài với bố mẹ bạn trai hoặc bố mẹ chồng của mình thì cũng tương tự như đi ăn với bố mẹ ruột mình vậy. Tuy nhiên, có một số lưu ý khác cần đế tâm. Bình thường, nàng dâu không cần phải tự giác trả tiền vì luôn có bạn trai hoặc chồng đi cùng.
Trong trường hợp không có bạn trai hoặc chồng đi chung, nếu được thì nàng chiêu đãi ba mẹ chồng luôn, còn không thì nàng có thể chỉ trả phần của mình. Nhưng ở Việt Nam, thường người lớn hay đòi chiêu đãi, hãy vui vẻ nói cảm ơn.
Đi ăn với anh chị em
Khi đi ăn với anh chị em ruột đã ổn định công việc (kể cả những cô cậu sinh viên), thì mọi người có thể trả tùy hứng. Nếu không có dịp gì đặc biệt thì cũng chẳng có quy tắc bất di bất dịch nào cho việc ai sẽ là người trả tiền.
Đi ăn với cô/ chú
Thật ra trong trường hợp này, ai trả tiền còn tùy thuộc vào mức độ thân thuộc. Nếu cô nàng khá gần gũi với các cô chú của mình, cô chú là người cưu mang hoặc có gắn kết đặc biệt với nàng thì có thể họ sẽ mời nàng. Tuy nhiên, cũng đừng quá “vin” vào điều này, nàng cũng nên yêu cầu tự trả phần mình khi đi ăn với các cô chú.
Khi cô nàng đi ăn với đồng nghiệp
Nhiều công ty sẵn sàng “móc hầu bao” để trả cho phần của nàng, hoặc chí ít là bồi hoàn tiền nếu nàng phải chi trả tiền ăn cho mọi người trong bữa ăn với các đối tác. Tuy nhiên, thỉnh thoảng những bữa ăn mang tính chất công việc thường không có ranh giới rõ ràng. Ví dụ, đi ăn trưa với đồng nghiệp thì có được tính không? Thường là không. Còn nếu đi ăn trưa với Sếp có được tính không? Đương nhiên là có.
Vậy nên khi đi ăn với những người cùng cấp bậc, thì tiền ai nấy trả. Chỉ vậy thôi.
Còn khi đi ăn ngoài với Sếp, cho dù chỉ là bữa ăn trưa và chẳng liên quan gì đến việc công thì có khả năng cao là Sếp sẽ là người trả tiền vì đã có công ty “bồi hoàn” sau. Tuy nhiên, không phải lúc nào Sếp cũng trả, cho nên, nàng đừng kì vọng quá mà hãy “mở miệng” chia hóa đơn sau mỗi bữa ăn thì sẽ hay hơn. (Trừ khi bữa ăn đó đơn thuần mang tính chất công việc, hoặc đi ăn với khách hàng,... đại loại thế).
“Giành trả” – Đâu là giới hạn?
Nếu cả hai bên cùng giành trả tiền thì người phục vụ chỉ biết đứng nhìn và chẳng biết nên nhận tấm thẻ tín dụng từ ai. Thế nên, nếu có ai đó dành trả hết phần cho nàng mà nàng lại không muốn thì nàng nên từ chối một cách chân thành, nhẹ nhàng nhưng đầy quyết đoán.
Nếu bên kia vẫn tiếp tục dành trả thì nàng chỉ cần hỏi “Bạn thật sự muốn trả cho mình à?” với một nụ cười lịch sự, nhẹ nhàng.
Đừng tạo ra một hoàn cảnh “tranh giành khí thế” giữa hai bên.
Sau đó người bạn kia sẽ đáp trả bằng một cái gật đầu thì tốt nhất cô nàng cứ thuận theo ý họ là được, và tỏ ý cảm ơn vì họ đã chiêu đãi mình.